Phong cách nội thất tối giản Minimalism trong thiết kế nội thất

Phong cách Minimalism hay còn được biết đến là một phong cách tối giản trong thiết kế nội thất. Đây là một phong cách thanh lịch, hiện đại, nhẹ nhàng và hoàn hảo về mặt thẩm mỹ. Nếu như bạn đã biết đến phong cách Hiện đại với nội thất đơn giản thì đến với phong cách này bạn sẽ thực sự bất ngờ khi mà mọi thứ trong thiết kế được tối giản một cách triệt để hơn nữa nhưng vẫn toát lên sự tinh tế. Có nhiều ý kiến cho rằng phong cách này khô khan và lạnh lẽo vậy thì qua bài viết này bạn hãy xem liệu có đúng như vậy không nhé! 

Phong cách nội thất tối giản Minimalism trong thiết kế nội thất

Hãy cùng tìm hiểu điều thú vị trong phong cách Minimalism

Lịch sử ra đời và các nguyên tắc trong phong cách Minimalism

Ảnh hưởng của nền văn hóa Nhật Bản

Chịu ảnh hưởng lớn của triết học và văn hóa Nhật Bản, chủ nghĩa tối giản là một trào lưu nghệ thuật phương Tây xuất hiện sau thế chiến thứ II. Kể từ thời điểm đó cho đến nay, nó vẫn là một lựa chọn thẩm mỹ xuất hiện trong nghệ thuật và thiết kế đương đại.

Với sự ra đời của nhiều nền văn hóa khác nhau tuy nhiên phong cách này lại bị thu hút và lấy ý tưởng từ nét đẹp trong văn hóa Nhật Bản. Nguyên tắc thẩm mỹ của Nhật Bản đó chính là tìm kiếm vẻ đẹp bẩm sinh và giá trị đơn giản trong đồ vật. Một nguyên tắc yêu cầu các không gian mở, rộng lớn để tạo ra sự trống rỗng trong không gian, buộc con người ta phải suy nghĩ về các hình thức thiết yếu tồn tại trong căn nhà. Nội thất của những ngôi nhà truyền thống Nhật Bản (nhà Minka) không giống như cách trang trí của những ngôi nhà Châu Âu. Thiết kế ngôi nhà với nội thất bằng gỗ, lợp mái tranh và một số phụ kiện trang trí tiêu biểu.

Các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa tối giản lấy từ văn hóa Nhật đã được thay đổi khéo léo hơn để phù hợp với cuộc sống và con người phương Tây. Sự đơn giản trong phong cách Minimalism đi đôi với chức năng, tính thẩm mỹ được sử dụng để khuyến khích sự yên tĩnh, hài hòa và cân bằng.


Phong cách Minimalism lấy cảm hứng từ nền văn hoa Nhật Bản

Lịch sử phát triển và các nguyên tắc chính trong phong cách tối giản

Các nguyên tắc chung của thẩm mỹ học tối giản được đặt ra vào đầu thế kỷ 20. Trong hội họa và thiết kế đồ vật xuất hiện một ngôn ngữ mới về sự tối giản được phát triển bởi các nhà Siêu học người Nga và các thành viên của phong trào nghệ thuật ở Hà Lan De Stijl (1913-1931, phong trào bao gồm các kiến trúc sư, các nhà điêu khắc, nhà thiết kế) dưới sự lãnh đạo của Theo van Doesburg và Piet Mondrian. Họ thúc đẩy sự đơn giản và trừu tượng bằng cách giảm các thiết kế hình học và màu sắc. Tập trung vào các yếu tố: các đường ngang và dọc; hình chữ nhật; các gam màu trắng, đen, xám và màu cơ bản; sự riêng biệt của từng thành phần.

Các kiến ​​trúc sư Walter Gropius, Le Corbusier, Ludwig Mies van der Rohe và một số những người có cùng lý tưởng đã đưa ra một nguyên tắc: “Less is more” vào thẩm mỹ của chủ nghĩa tối giản, thiết lập tính ưu việt của chức năng hơn hình thức. Ngoài vấn đề về tính thẩm mỹ thì vấn đề thúc đẩy xã hội và câu hỏi xoay quanh giá thành rẻ cũng luôn được đặt lên hàng đầu trong các dự án.

Ludwig Mies van der Rohe – kiến trúc sư người Đức là một trong những người tiên phong nổi tiếng của kiến trúc hiện đại. Ông đã thiết kế nhiều tòa nhà mang tính bước ngoặt, trong đó nổi bật là công trình Crown Hall ở Chicago và Seagram Building ở New York. Ông đã cố gắng tạo ra sự đơn giản và rõ ràng cho các thiết kế kiến trúc của mình bằng cách:

  • Sử dụng vật liệu hiện đại như thép, kính, bê tông
  • Sử dụng khung cấu trúc cố định
  • Có nhiều không gian thoáng, rộng


S. R. Crown Hall – Học viện Công nghệ Illinois ở Chicago

Minimalism cũng rất qua trọng trong đối với nghệ thuật thị giác và thiết kế. Mặc dù nó có vẻ là một nguyên tắc đơn giản, nhưng để đạt được sự xuất xắc trong phong cách này thì đòi hỏi một kỹ năng tuyệt vời. Yêu cầu người thiết kế biết tận dụng thành thạo các yếu tố thiết yếu để tạo ra một không gian hài hòa và tối giản.

Phong cách Minimalism trong thiết kế nội thất

Đường nét rõ ràng, giản dị, gọn gàng, đơn giản, đơn sắc, “less is more” (ít là nhiều) – đây là một số thuật ngữ và khái niệm xuất hiện ngay lập tức, khi người ta nghĩ về phong cách này. Minimalism trong thiết kế nội thất còn được gọi là phong cách Minimalist (tối giản) là thiết kế một không gian đơn giản, gọn gàng và làm nổi bật các đường nét kiến trúc hấp dẫn. Phong cách này yêu cầu mọi người suy ngẫm về những gì thực sự cần thiết cho không gian.


Phong cách Minimalist là gì?

Thiết kế nội thất phong cách Minimalist rất giống với thiết kế nội thất hiện đại trong việc lựa chọn, sử dụng các yếu tố cần thiết để tạo ra một không gian đơn giản và gọn gàng. Được đặc trưng bằng bởi sự thanh lịch, đường nét rõ ràng và bảng màu đơn sắc đi kèm một số màu sắc làm điểm nhấn. Thiết kế không gian mở, nhiều ánh sáng với đồ nội thất tiện dụng.

  • Hạn chế các yếu tố trang trí và đồ nội thất không thực tế
  • Hạn chế màu sắc: Trắng, xám, đen, nâu là các màu cơ bản được sử dụng. Bên cạnh đó là các tông màu tự nhiên và bảng màu của vật liệu (kim loại, gạch, gỗ,..)
  • Tường, sàn và trần thường phải nhẵn mịn, thường sử dụng là màu sáng. Sử dụng thạch cao hoặc giấy dán tường trơn màu sáng
  • Không gian rộng rãi, tầm nhìn thông thoáng đem lại cảm giác tự do; nhiều ánh sáng với các khung cửa rộng và sử dụng ánh sáng nhân tạo
  • Nội thất hiện đại, thông minh, đa chức năng
  • Diện tường có thể trang trí bằng những bức tranh trừu tượng với khung tranh đơn giản.

Thiết kế nội thất phong cách Minimalism là bao gồm các bề mặt nhẵn, các khối hình học, các đường thẳng sạch sẽ với nội thất tính năng thông minh, trang trí một màu, sử dụng ánh sáng làm điểm nhấn trong không gian nội thất thay vì các phụ kiện trang trí.

Các yếu tố trong phong cách Minimalism


Đường nét sạch sẽ: Đồ nội thất, phụ kiện tối giản tập trung vào chức năng và tính thực dụng. Bề mặt phẳng, nhẵn và các đường nét khỏe khoắn, sạch sẽ là những tuyên bố táo bạo nhấn mạnh vào tính chất thiết yếu của nội thất. Bạn sẽ không tìm thấy bất cứ một đồ đạc nào có hoa văn cầu kỳ hay một phụ kiện nhiều chi tiết ở trong ngôi nhà mang phong cách Minimalist. Sự đơn giản trong toàn bộ không gian được sắp đặt một cách có ý đồ sẽ là điểm nhấn tinh tế và thu hút con người ta muốn thưởng thức và khám phá.

Bảng màu đơn sắc: Một trong bản chất của xu hướng thiết kế tối giản đó chính là sử dụng bảng màu đơn sắc, thể hiện mong muốn giảm bớt hình thức và màu sắc đến mức tối giản để tạo ra một không gian nhẹ nhàng, rộng rãi, thoáng mát và sáng sủa nhất có thể. Bảng màu sử dụng các gam màu tự nhiên có các sắc thái nhẹ nhàng và mềm mại làm dịu đi các màu mạnh mẽ cho không gian hài hòa hơn.

Yếu tố cần thiết: Cần có nhiều cửa số lớn để căn phòng có đủ ánh sáng, hình thức, vật liệu kết hợp trong không gian bố cục mở để tạo cảm giác tự do và thư giãn. Không có sự trang trí quá mức.

Nội thất Minimalist

Nội thất tối gian bao gồm bàn ghế, sofa, giường có kiểu dáng mạnh mẽ, khỏe khoắn với những tính năng thông minh như ghế sofa tích hợp giường ngủ, ghế gấp, bàn gấp, tủ âm tường,… hạn chế sử dụng kệ hoặc không sử dụng. Nội thất trong nhà phải được thiết kế vị trí đặt đồ khéo léo, loại bỏ những thứ không cần thiết, hoặc cất vào những nơi đựng đồ chuyên dụng. Màu sắc của nội thất tương đồng với với gam màu nền, không sử dụng hoa văn họa tiết cầu kì, nhưng một vài trường hợp có thể sử dụng để trang trí trên vách tường, nội dung của tranh. Nội thất cực kỳ phù hợp với những người chán sự phô trương, khao khát tìm được sự yên tĩnh, thanh lịch.

Tuy nhiên, một số thiết kế tối giản bị cho là cứng nhắc và vô hồn. Để tránh khỏi điều này, mang đến sự thân thiện và vẫn đảm bảo không gian vẫn toát lên sự tối giản thì có một vài lưu ý nhỏ này sẽ giúp cho mọi không gian trong ngôi nhà trở nên ấm áp hơn.

Kết hợp các đặc tính và kết cấu khác nhau: Sử dụng linh hoạt các loại vật liệu có kết cấu khác nhau cho không gian, tận dụng những đặc tính có sẵn có của đồ vật để thay đổi cảm xúc của không gian. Ví dụ: Trong nội thất phòng khách bạn có thể sử dụng thêm một chiếc thảm dệt để tăng thêm sự ấm áp của phòng, hoặc trong phòng tắm thay đổi những mảng tường lạnh lẽo bằng tường gạch có kết cấu thô, hiện rõ thớ của vật liệu nhưng vẫn phải có các gam màu phù hợp với tổng thể chung.

Sử dụng vải dệt: Vốn là một phong cách nằm trong chùm hiện đại chính vì vậy không thể thiếu chất liệu vải dệt mang màu sắc nhẹ nhàng khiến không gian trở nên yên tĩnh hơn và tràn đầy sự ấm cúng.

Lựa chọn kiểu dáng phụ kiện trang trí và nội thất lạ mắt, phù hợp: Đồ nội thất như sofa, bàn trà,… có kiểu dáng đơn giản những phải có sự độc đáo. Phụ kiện như đèn chùm, bình hoa,… cũng không nên thiếu tuy nhiên phải biết tiết chế.

Mẹo giúp ngôi nhà của bạn mang đậm phong cách Minimalism


Thiết kế nội thất một căn hộ mang phong cách Minimalism không hề khó như nhiều người nghĩ

1. Tạo không gian sạch sẽ và ngăn nắp với nội thất tinh giản

Một căn phòng được bài trí lộn xộn chắc chắn sẽ khiến bạn khó thư giãn, thêm căng thẳng và khó khăn trong việc tìm kiếm đồ đạc. Hơn nữa, không gian được thiết kế và trưng bày nhiều phụ kiện cũng làm người sử dụng mất nhiều thời gian lau chùi, vệ sinh.

Sử dụng phong cách trang trí nội thất tối giản đó chính là biết món đồ nào là thực sự cần thiết và loại bỏ những món đồ thừa thãi. Tận dụng những chiếc rỏ, khay, tủ hoặc các vật chứa khác để đựng đồ đạc khiến không gian thêm gọn gàng. Nên lựa chọn sử dụng những đồ đạc có sức chứa rộng rãi để có thể cất giữ được nhiều đồ.

Ưu tiên sử dụng nội thất thông minh, tích hợp nhiều tính năng để tiết kiệm diện tích hơn, đem đến không gian rộng rãi. Đồ nội thất sử dụng thường mang hơi hướng Châu Âu thiết kế đơn giản, kiểu dáng khỏe khoắn. Nên dùng những món đồ có dạng hình khối thay vì họa tiết cầu kỳ để tăng hiệu hứng thông thoáng cho căn nhà.

2. Mảng khối với vật liệu rõ ràng và bám sát màu sắc lựa chọn


Bạn có thể sử dụng màu sắc khác thay vì màu trắng cho màu tường nhà, nhưng hãy đảm bảo được rằng thiết kế nội thất của bạn không bị ảnh hưởng.

Hầu hết nội thất tối giản sử dụng màu sắc trung tính, những gam màu nhẹ nhàng, sáng sủa khiến cho căn hộ trở nên rộng rãi, thoáng mát và thân thiện hơn. Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi dùng một số màu khác thay thế màu trắng. Bạn có thể bắt đầu bằng việc sử dụng tông màu trung tính cho tông nền và màu sắc tươi mới hơn cho đồ nội thất và vật dụng trong nhà. Ngoài ra màu sắc của vật liệu gỗ cũng là một ý tưởng hay để tạo ra một bảng màu tối giản, tinh tế.

Tường: Có thể là những bức tường với bê tông, hay đá tự nhiên, thạch cao. Hay đơn giản hơn nữa là những bức được sơn màu đơn sắc. Cân nhắc đến tường kính, một giải pháp rất phù hợp với phong cách mà lại khiến không gian thêm ấn tượng và rộng hơn.

Trần: Thường thì người ta sẽ chỉ sử dụng trần sơn trắng để giảm bớt cảm giác nặng nề, cồng kềnh. Chính vì vậy tuyệt đối không nên quá cầu kỳ trong việc trang trí trần nhà trong phong cách Minimalism.

Sàn: Không lát sàn bằng vật liệu đá hoa có họa tiết hoa văn, hay giấy dán sặc sỡ. Nên dùng màu sắc tự nhiên của sàn gỗ, gạch granite, thảm trải sàn màu trơn, thậm chí để tiết kiệm thêm chi phí bạn cũng có thể để sàn nhà bằng vật liệu bê tông láng mịn.

3. Ánh sáng linh hoạt

Ánh sáng luôn là yếu tố đắt giá trong thiết kế. Mà phong cách này lại hạn chế màu sắc do vậy ánh sáng trong phong cách này chính là một phần chủ đạo để trang trí nội thất. Sử dụng ánh sáng thông minh và tinh tế sẽ đem lại hiệu ứng mạnh mẽ cho thị giác. Tận dụng ánh sáng tự nhiên thông qua việc khéo léo thiết kế các ô cửa, vách kính, rèm cửa,… khiến không gian trở nên chàn hòa ánh sáng và chân thật hơn. Một người kiến trúc sư tài hoa chính là biết nắm bắt điểm nhấn ánh sáng từ bóng đổ của đồ vật.

Riêng đối với ánh sáng nhân tạo thì việc quan trọng hơn đó chính là chọn được kiểu dáng phù hợp với độ sáng khác nhau cho từng khu vực. Bởi nó vừa là nét chấm phá trong trang trí vừa mang lại nguồn sáng chung cho không gian.

Tại sao nên chọn phong cách Minimalist trong thiết kế nội thất?


Không có nơi nào tốt bằng ngôi nhà của chính mình, đó là tất cả những điều mà hầu như chúng ta đều nghĩ như vậy. Thế nhưng lại có những ngôi nhà khiến bạn căng thẳng và mệt mỏi. Bước vào bên trong cánh cửa ngôi nhà, sau một ngày dài làm việc mệt mỏi mà điều chào đón bạn đó là một không gian lộn xộn với nội thất rườm rà, liệu bạn có cảm thấy tăng mức độ căng thẳng hơn?

Nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng ngôi nhà có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và thậm chí là sức khỏe của bạn. Dưới đây là một số thiết kế nhà có thể gây ra ảnh hưởng đến bạn:

  • Căn phòng quá lộn xộn bạn sẽ cảm thấy lo lắng
  • Căn phòng quá tối bạn sẽ trở nên u ám và cảm thấy chán nản
  • Căn phòng quá sáng sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng và vỗi vã
  • Căn phòng với không gian nhỏ, sẽ có sự chật chội khiến bạn bí bách, ngột ngạt

Nhiều người cho rằng việc sắp xếp nhiều đồ khiến họ cảm thấy căn phòng trở nên thân thiện, ấm cúng hơn. Tuy nhiên cảm giác tích cực này sẽ xuất hiện ít hơn những cảm giác tiêu cực. Không chỉ có vậy, một ngôi nhà không có sự sắp xếp bố cục gọn gàng, nhiều đồ đạc sẽ có rất nhiều bụi bặm. Tốn rất nhiều thời gian trong việc dọn vệ sinh. Là những người sống trong xã hội hiện đại vì thế nên việc tiết kiệm thời gian, tiết kiệm diện tích, tiết kiệm chi phí, ứng dụng thông minh vào nội thất là cực kì cần thiết. Phong cách thiết kế nội thất Minimalism chính là lựa chọn hoàn hảo cho những ngôi nhà hiện đại.

Lời kết

Qua chia sẻ trong bài viết thì chắc hẳn mọi người sẽ có cái nhìn mới về phong cách này. Phong cách Minimalist không hề lạnh lẽo, trống rỗng và khô khan như nhiều người suy nghĩ. Nếu như bạn chưa tìm được một phong cách thiết kế nội thất thích hợp cho ngôi nhà của mình thì có thể phong cách này chính là điều mà bạn đang kiếm tìm bấy lâu nay. Hãy tham khảo thêm nhiều mẫu thiết kế tối giản để lấy cảm ngay hứng ngay hôm nay nhé!

Tin tức khác
 

Đang xử lý... Vui lòng chờ trong giây lát!

Scroll